Sự phân chia theo trường phái triết học Các tông phái Phật giáo

Vì các giáo lý Phật giáo đều tuỳ theo tâm cảnh của người tu học mà có những sự khác biệt nên không thể xét Phật giáo như là một loại triết học như định nghĩa triết học kiểu Tây phương. Tuy nhiên, khi tiếp cận với cách thức giải thích giáo lý Phật giáo của các bộ phái, nhiều nhà phân tích vẫn muốn chia Phật giáo thành nhiều trường phái triết lý. Theo đó, 4 trường phái chính là:

Sarvāstivādin (Nhất thiết hữu bộ)

Bài chi tiết: Nhất thiết hữu bộ

Trường phái này ra đời khoảng thế kỷ thứ 3 TCN và đã phát triển ở Tây Bắc Ấn trong thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV. Sau đó trở nên vững mạnh trong cả vùng Bắc và Tây Bắc xứ Ấn trong khoảng một ngàn năm sau. Nó mở ra tới Kashmir, Trung Á và cả Trung Hoa. Abhidharmakośa (Đại Tỳ Bà Sa luận) của đạo sư Thế Thân là tác phẩm quan trọng nhất của phái này. Trường phái này nhấn mạnh lời dạy của Phật rằng "bản chất đạo đức của các hành vi sẽ quyết định những kinh nghiệm tương lai của người làm các hành vi ấy" (theo Andrew Skilton). Phái này cho rằng các yếu tố không thể giản lược của hiện hữu (dharmas) cũng thể hiện trong quá khứ và tương lai. Do đó, những dharmas đã tạo nên hành vi trong quá khứ có thể tạo được ảnh hưởng ở một thời điểm sau đó. Sarvāstivādin căn cứ trên tiền đề duyên khởi (Pratityasamutpàda) là: bởi có cái này nên có cái kia để giải thích về các nhận thức tri thức. Vì phải có đối tượng (cảm nhận hay nhận thức) mới có tri thức nên nếu thừa nhận hoạt động của tri thức thì cần chấp nhận sự tồn tại của đối tượng. Xa hơn, phái này còn chỉ ra rằng mọi ảo giác không thực đều phải dựa trên các chi tiết thực mà nhận thức đã có trước đó và do đó công nhận sự thực hữu của mọi cảm nhận (kể cả giấc mộng). Học thuyết này còn tách biệt Phật bảo với Pháp bảo và cho rằng Phật bảo là tập họp của những dharmas làm nên Phật các hiểu biết và các cảm-hoạt (hay uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức -- scandhas) của Phật. Phái này đã đặt ra nhiều nền móng tư tưởng cho Đại thừa sau này.

Sautrāntika (Kinh lượng bộ)

Bài chi tiết: Kinh lượng bộ

Tông phái này ra đời vào khoảng năm 50 TCN cho đến cuối thế kỷ thứ 1. Phái này bác bỏ quan điểm dharmas của Sarvāstivādin và cho rằng mọi dharmas chỉ hiện hữu tức thời. Để giải thích các vấn đề về nghiệp (karma), trường phái này đưa ra tư tưởng về các bījas, hay hạt giống. Hạt giống được trồng bởi những hành vi với đặc tính đạo đức nhất định, sau này mới đâm chồi, và khi điều kiện cho phép sẽ cho quả phù hợp với hành vi tạo tác. Đối với phái này thì giáo lý của tạng Kinh thường tồn sẽ tạo thành hạt giống trong tâm thức để khi có dịp sẽ phát huy tính năng (Tên Kinh Lượng cũng do việc đề cao vai trò của tạng Kinh mà có). Một hệ quả của lập luận này là ngoài tâm có pháp. Một cách diễn dịch dễ hiểu hơn là chân lý nằm bên ngoài tâm thức. Họ cũng thừa nhận về lý duyên khởi (vì có cái này nên có cái kia) nhưng cho rằng tính không được thể hiện trong mọi tình huống của nhận thức.

Yogācārin (Duy Thức Tông)

Bài chi tiết: Duy Thức tông

Phái Duy thức ra đời vào khoảng đầu thế kỉ thứ 4 do đạo sư Vô trước (Asaṅga) (khoảng 310-390) sáng lập. Trường phái này nhấn mạnh rằng "vạn pháp duy tâm" (nghĩa là mọi vật đều do tâm). Từ kinh nghiệm thiền định, thuyết này chỉ ra sự sai lầm của nhận thức về các đối tượng đối với sự hiện hữu thực sự của chúng. Điều mà trường phái muốn nói không phải là mọi sự đều được làm thành bởi cái tâm, nhưng muốn nói rằng toàn thể kinh nghiệm đều lệ thuộc vào hay nhờ vào tâm của chúng ta. Mọi sự vật mà chúng ta biết, mọi yếu tố của nhận thức của chúng ta, cơ bản đều là một thành phần của một quy trình của tâm. Trường phái này cho rằng tâm thực sự hiện hữu (khác với Trung quán). Như vậy, tâm thì trống rỗng theo nghĩa là tâm không có phân biệt chủ thể và khách thể.

Mādhyamika (Trung Quán Tông)

Bài chi tiết: Trung Quán tông

Phái này do đạo sư Long Thọ (150-250) (Nāgārjuna, నాగార్జునా) sáng lập. Phái Trung quán tập trung vào chủ đề tính không. Đây là thuộc tính của vạn vật. Vạn vật chỉ do nhân duyên sinh ra, cho nên những sự vật hiện thấy có là không thực sự tồn tại. Phái này có tên là Trung quán là vì nó chỉ ra con đường ở giữa chủ nghĩa hằng cửu (mọi vật tồn tại vĩnh viễn) và chủ nghĩa hư vô (không có gì tồn tại). Chủ thuyết này nhìn nhận sự hiện hữu thông thường của các đối tượng xuất hiện trong dòng chảy liên tục của các nhân duyên. Không vật gì có thể tồn tại một cách độc lập với mọi điều kiện bên ngoài (tính hỗ tương tồn tại). Đồng thời, có sự liên hệ phụ thuộc giữa thành phần và toàn thể trong mỗi sự vật. Thêm vào đó, do tính chất vô thường trên từng khoảnh khắc, không vật gì có thể hiện hữu tuyệt đối kể cả tâm và thế giới vật lý bởi vì chúng thiếu vắng đối tượng thực sự của sự hiện hữu. Như vậy tính không ở đây so với trường phái Duy Thức, đã được nới rộng áp dụng lên vạn vật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các tông phái Phật giáo http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/to-015-tra... http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/055-tutuon... http://chuyenphapluan.com/details.asp?filename=thi... http://www.quangduc.com/coban/25phpt05-6.html http://www.quangduc.com/coban/9kienthuc.html http://www.quangduc.com/lichsu/72bophai01.html http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-lichsupg/lspg... http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-phathoc-coban... http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-thien_ng/00.h... http://cusi.free.fr/lsp/lsp0060.htm